Dieter Rams và 10 nguyên tắc thiết kế vượt thời gian

Dieter Rams là một nhà thiết kế người Đức, tên tuổi ông gắn liền với các sản phẩm tiêu dùng của Braun và các nguyên tắc trọng tâm trong ngành thiết kế công nghiệp.

FAMOUS DESIGNER

1/9/20255 min read

Dieter Rams được sinh ra ở Wiesbaden, Đức vào năm 1932. Ông bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi ông nội của mình – vốn làm nghề thợ mộc. Giải thưởng đầu tiên của Dieter Rams về nghề mộc đã dẫn đến việc ông được đào tạo như một kiến trúc sư khi nước Đức được xây dựng lại vào đầu những năm 1950.

Nhờ gợi ý từ một người bạn thân, Rams xin việc tại công ty sản phẩm điện của Đức, Braun, năm 1955. Ông được tuyển dụng bởi Erwin và Artur Braun với công việc chính là hiện đại hóa đồ nội thất của công ty đã tung ra, các sản phẩm điện mang tính cách mạng.

Ông nhanh chóng tham gia vào thiết kế sản phẩm và được nhiều người biết đến nhờ việc thêm nắp Perspex trong suốt cho máy nghe đĩa than SK4 vào năm 1956. Sau đó, ông được bổ nhiệm làm trưởng bộ phận thiết kế tại Braun từ năm 1961 đến năm 1995. Cùng với đội ngũ thiết kế của mình, ông chịu trách nhiệm về nhiều thiết bị điện gia dụng và một số đồ nội thất.

10 Nguyên tắc thiết kế của Dieter Rams

Trở về cuối những năm 1970, Dieter Rams ngày càng trở nên lo ngại bởi tình trạng của thế giới xung quanh. Thế nên ông quyết định đưa ra danh sách gồm 10 nguyên tắc thiết kế cho một sản phẩm tốt – những nguyên tắc có thể áp dụng vào thiết kế logo, thiết kế trò chơi hay thậm chí là thiết kế ứng dụng.

Nhà thiết kế hàng đầu của Apple – Jonathan Ive đã thoải mái thừa nhận rằng ông đã lấy cảm hứng từ 10 nguyên tắc thiết kế của Dieter Rams. Để minh họa cho những gì mình nói, mỗi sản phẩm Apple iPad, iMac hay thậm chí iTunes đều được tạo ra bằng cách giữ 10 nguyên tắc thiết kế đơn giản nhưng hiệu quả này.

1. Thiết kế tốt là sáng tạo

Sáng tạo là mảnh đất màu mỡ với những ý tưởng vô tận. Sự phát triển của công nghệ luôn mang đến nhiều cơ hội cho thiết kế sáng tạo; sự đổi mới trong thiết kế sáng tạo lại tác động để công nghệ tiếp tục phát triển, cứ thế, quá trình này xoay vần và không bao giờ kết thúc.

2. Thiết kế tốt khiến sản phẩm trở nên hữu ích

Một sản phẩm được mua để sử dụng phải đáp ứng được những tiêu chuẩn nhất định, không chỉ về công năng mà còn về mặt tâm lý và thẩm mỹ. Thiết kế tốt nên nhấn mạnh vào tính hữu dụng của sản phẩm để không gì có thể cản trở nó hoàn thành chức năng của mình.

3. Thiết kế tốt là thiết kế có tính thẩm mỹ

Chất lượng thẩm mỹ có thể xem là một dạng công năng vì chúng có sức ảnh hưởng nhất định đến người dùng và tình trạng tinh thần của họ khi sử dụng sản phẩm hằng ngày. Và tất nhiên, sản phẩm chỉ đẹp khi được gia công hoàn thiện.

4. Thiết kế tốt là tạo ra một sản phẩm dễ hiểu

Thiết kế phải làm rõ được cấu trúc của sản phẩm.

Sản phẩm cần dễ hiểu, dễ trình bày công năng thông qua bản hướng dẫn sử dụng. Nhưng tốt nhất, sản phẩm nên tự nói lên được mọi công năng của chính mình.

5. Thiết kế tốt thì không phô trương:

Các sản phẩm dùng cho một mục đích nhất định nên được xem như các công cụ. Chúng không phải vật trang trí cũng không phải là tác phẩm nghệ thuật. Do đó, thiết kế của sản phẩm nên vừa trung lập, vừa tiết chế để nhường chỗ cho sự tự biểu hiện của người dùng.

6. Thiết kế tốt là trung thực

Thiết kế không nên khiến cho sản phẩm trở nên quá mới lạ, quá phô trương hoặc bị gán cho một giá trị không thực. Thiết kế phải đúng với sản phẩm, phô bày những gì sản phẩm thực sự làm được chứ không “bóng gió” nửa vời.

7. Thiết kế tốt là thiết kế tồn tại lâu dài

Thiết kế tốt nên tránh việc chạy theo xu hướng để không bị lỗi thời khi xu hướng qua đi.

8. Thiết kế tốt là chú ý đến từng chi tiết

Luôn có cơ hội để quan sát và chỉnh sửa. Việc thận trọng, chính xác trong quá trình thiết kế là cách để bày tỏ sự tôn trọng đối với người dùng.

9. Thiết kế tốt thì thân thiện với môi trường

Thiết kế đóng góp quan trọng vào việc bảo vệ môi trường. Nó bảo tồn các nguồn tài nguyên và giảm thiểu ô nhiễm suốt vòng đời sản phẩm.

10. Thiết kế tốt là thiết kế tối giản nhất có thể

Một thiết kế đơn giản luôn là sự lựa chọn sáng suốt vì khi đó, sản phẩm được tập trung vào các khía cạnh thiết yếu chứ không gánh thêm những chi tiết “bên lề”, vô nghĩa.